Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2012

Ảo giác tình yêu, sống và chết ! (TCS)



Tình yêu :

Thuở ấy có một người con gái rất mong manh, đi qua những hàng cây long não lá li ti xanh mướt để đến trường. Đi đến trường mà đôi lúc dường như đi đến một nơi vô định… Người con gái đi qua những hàng cây long não ấy bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác…”

Đấy không phải là chuyện… cổ tích. Người thuật lại câu chuyện ấy là TCS. “Người con gái rất mong manh” trong câu chuyện ấy là Diễm, có biệt danh “Diễm Xưa”.

Diễm Xưa, mối duyên không thành của TCS, “đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác”, thế nhưng câu chuyện vẫn chưa chịu kết thúc, vì tên nàng hóa thành tên của một tình khúc TCS rất quen thuộc, và vì người ta vẫn còn muốn kéo dài thêm nữa câu chuyện kể, vẫn còn muốn đi tìm một kết thúc đẹp theo nghĩa nào đó, như là một “hậu Diễm Xưa”, dẫu có hơi cải lương kiểu “rồi hai mươi năm sau”: cô em gái của Diễm Xưa từ phương xa trở về để tìm chàng, mong nối lại… “tình chị duyên em”, nhưng mối “duyên em” ấy cũng không thành, và rồi nàng lại ra đi về phương trời xa, để cho Diễm Xưa mãi mãi là… Diễm Xưa. Cái đoạn kết chắp vá khá lâm ly ấy chắc hẳn đã được thêm thắt từ những câu hát:

Hai mươi năm xin trả nợ người
Trả nợ một thời em đã bỏ ai…
Hai mươi năm vơi cạn lại đầy
Trả nợ một thời môi vắng vòng môi…
(Xin Trả Nợ Người)

Câu chuyện đúng, sai thế nào chẳng ai biết được, có điều khi kể câu chuyện ấy bằng những lời lẽ như “người con gái rất mong manh…, đi đến một nơi vô định…”, có vẻ như TCS đã muốn phủ lên Diễm Xưa một lớp sương mù huyền hoặc và một vẻ diễm ảo, có thực và không có thực. Diễm Xưa, mối tình đầu của nhạc sĩ họ Trịnh chăng? Không đâu. Đã “không có bài hát đầu tiên, bài hát cuối cùng”, nói như ông, thì làm gì có tình đầu, tình cuối. Ý niệm lần đầu, lần cuối trong tình yêu TCS thật mơ hồ:

Đời sẽ buồn như một chiều nao
Hôn nhau lần cuối, hôn nhau lần đầu…
(Như Một Vết Thương)

Cho dù Diễm có là gì, có ra sao đi nữa, ta cũng biết chắc một điều: Diễm Xưa là mối tình đầu của TCS với âm nhạc Việt nam. Kể từ Diễm Xưa, “kể từ TCS trở đi, các tình khúc đã đổi khác rất nhiều, và nền tân nhạc phải cảm tạ ông về sự khai phá đó” , nữ ca sĩ Quỳnh Giao, người từng thể hiện nhiều bản tình ca cũ, mới qua các thời kỳ của nền tân nhạc Việt, đã có lời nhận định như vậy.

Trước Diễm Xưa làm gì có những “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”, “làm sao em biết bia đá không đau?”… Sau Diễm Xưa ta mới có những:

hãy yêu nhau cho gạch đá có tin vui… (Hãy Yêu Nhau Đi)
phố em qua gạch ngói quen tên… (Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên)
ngày mai em đi sỏi đá trông em từng giờ… (Biển Nhớ)

Tình yêu phả hơi thở, truyền cảm xúc đến cả những vật thể vô tri vô giác… Đâu đã hết, lại còn những:

Gió sẽ mừng vì tóc em bay, cho mây hờn ngủ quên trên vai… (Như Cánh Vạc Bay)

Nhớ gì mà nắng vàng cánh rừng, thương ai mà sương khuya vội vàng buông… (Vẫn Có Em Bên Đời)

Bằng những câu hát như vậy, TCS không chỉ làm mới ngôn ngữ mà còn vẽ lại khuôn mặt của tình yêu, một khuôn mặt rất riêng, không giống ai và không ai giống, khiến đôi lúc ta không hình dung nổi khuôn mặt ấy ra sao, như thế nào, có hay không, thực hay ảo(?).


s%25e1%25bb%2591ng v%25c3%25a0 ch%25e1%25ba%25bft Pictures, Images and Photos

Tình yêu trong nhạc TCS là chiếc bóng lung linh, thấp thoáng, chập chờn: “tình không xa nhưng không thật gần…” (Như Một Lời Chia Tay), thoắt ẩn thoắt hiện: “rộn ràng nhưng biến nhanh…” (Tình Sầu). Những mối tình “không hẹn mà đến, không chờ mà đi” (Bốn Mùa Thay Lá), nghĩa là chẳng có hẹn hò, thề thốt chi cả, cũng chẳng có ràng buộc gì nhau. Tất cả chỉ là “tình cờ”: “ta gặp tình cờ như là cơn gió (Hoa Vàng Mấy Độ), “coi như phút ấy tình cờ” (Nguyệt Ca). Nếu có những đớn đau thì cũng là “yêu trong nỗi đau… tình cờ” (Trong Nỗi Đau Tình Cờ). Tình yêu tựa như những cánh bèo, như cánh lá khô trôi theo dòng nước, có chạm vào nhau, rồi cũng lại dạt ra, mỗi người một dòng chảy, một định mệnh. Những kẻ yêu nhau trong nhạc TCS dẫu có vươn những cánh tay thật là dài về phía nhau nhưng vẫn không sao chạm tay vào nhau được.

Tình yêu là gì? Đã có người hỏi ông như vậy. Và ông trả lời: “Tôi không thể nói về một vấn đề mà chính bản thân mình hoàn toàn không hiểu…, và cho đến giờ này, phải nói thật một điều là tôi cũng không hiểu tình yêu thực sự đã cho tôi được những gì” . Tôi tin là ông nói thật chứ không phải làm bộ. Ông không ở lại với mối tình nào và cũng chẳng có mối tình nào ở lại với ông.

Một lần nữa, những người tin theo ông lại bị hụt hẫng, chới với. Một người từng viết biết bao bản tình ca làm rung động biết bao trái tim lại nói rằng không hiểu… tình yêu là gì! Liệu có ai tin được ?

Ngay cách ông định nghĩa tình yêu cũng… không giống ai:

Tình yêu như vết cháy trên da thịt người
Tình yêu như trái chín trên cây rụng rời
Tình yêu như nỗi chết, cơn đau thật dài

Có lúc dữ dội như cơn địa chấn:

Tình yêu như cơn bão đi qua địa cầu

Có lúc lại như là một trong những nhu cầu thực dụng của con người:

Tình yêu như cơm áo quen hơi ngọt ngào

Những câu hát trên ở trong “Tình Sầu”, một trong những bài hát tiêu biểu nhất về khuôn mặt của tình yêu, phác họa qua đường nét của cây cọ TCS. Tôi vẫn cho “Tình Sầu” là một trong những bài hay nhất của ông nói về tình yêu.



“Khi bạn hát một bản tình ca nghĩa là bạn đang muốn hát về cuộc tình của bạn” , điều ông nói quả có đúng; hơn thế nữa, khi lắng nghe một bản tình ca cũng là khi “lắng nghe im lặng cuộc tình” (Tôi Đang Lắng Nghe). Người ta thích “Tình Nhớ” vì “tình ngỡ đã phôi pha, nhưng tình vẫn còn đầy”, thích “Tình Xa” vì “từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ”, thích “Tình Sầu” vì “tình cho nhau môi ấm, một lần là trăm năm”. Mọi người đều ít nhiều bắt gặp mình trong những câu hát ấy.

Thực ra, ông thích nói về tình phụ hơn là tình yêu, làm như là ai đến với ông cũng chỉ rắp tâm phụ bạc ông vậy, và có vẻ “tình phụ” dễ tạo nguồn cảm hứng cho ông viết nhạc hơn. “Cái may ở đời là được yêu và đôi khi cái may ở đời cũng là bị phụ tình,” ông nói thế, không biết có phải để tự an ủi. Tuy rằng ông không viết thêm “Tình Phụ” để kết hợp với “bộ ba” Tình Nhớ, Tình Xa, Tình Sầu (chẳng có tình nào vui vẻ cả), nhưng những tình phụ, phụ tình vẫn trải đầy trong những lời nhạc của ông.

Ru em phụ rẫy trong ta…
Yêu em, yêu thêm tình phụ…
(Ru Em),

Em phụ tôi một thời bé dại…
Trả nợ một đời em đã phụ tôi…
(Xin Trả Nợ Người)…

Ông cũng viết về những duyên và nợ, những món nợ tình chẳng bao giờ thanh toán nổi.

Trả nợ môt đời không hết tình đâu… (Xin Trả Nợ Người)

Đôi lúc ông cũng thích dặm thêm ít “triết lý vụn” vào những cái thực và giả ấy nữa: “Bờ bến của một cuộc tình cũng không phải hẹp đâu. Có biết bao nhiêu kẻ đã bị dìm chết giữa dòng để mãi mãi không đến được bờ bên kia. Kẻ may mắn đến được bờ bên kia rồi, khi quay nhìn lại sẽ thấy rất rõ, sẽ nhận thức được mọi thất vọng, khổ đau đã qua đều là giả tạo, phù phiếm… !
Tuy vậy, có một tình yêu khác ông dành cho một người nữ mà tôi tin rằng đấy phải là tình “thực”: tình yêu ông dành cho người mẹ yêu quý của mình. Tình yêu ấy bộc lộ rõ nét nhất trong ngày người phụ nữ ấy lìa xa ông: “Khi cúi xuống hôn vầng trán lạnh lẽo của mẹ, tôi biết rằng từ nay sự lạnh lẽo ấy sẽ dần dần tràn ngập trái tim tôi. Mất mẹ là mất đi một tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người… Khi một người tình cho bạn một tình yêu thì trong trái ngọt đã có lẫn vị đắng. Chỉ có tình yêu của mẹ là không vụ lợi. Chỉ có ở người mẹ, bạn mới có thể tìm được lòng chung thủy tuyệt đối. Ở trái tim người mẹ, chỉ có sự tràn
đầy, không có bớt đi hoặc thêm vào gì được nữa…”
Tât cả những bà mẹ trên đời đều giống nhau. Tình yêu của mẹ đối với những đứa con và tình yêu của đứa con dành cho những người mẹ đều không phải là “tình yêu giả”, và cũng không phải là ảo giác.

(Báo Văn học)


s%25e1%25bb%2591ng v%25c3%25a0 ch%25e1%25ba%25bft Pictures, Images and Photos

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét