Chỉ có trong tình yêu ta mới bắt gặp được cái chết của chính mình. Tình yêu cũng mở ngõ cho những lần hoá kiếp. Hãy thử bước vào thế giới đó để khởi đầu bằng một cái chết thật vô cùng yêu dấu.
– Trịnh Công Sơn
(Tình Khúc, 1967)
Chương I
Tìm tình, nhịp thong dong
Khởi đầu bằng thể hát kể đồng dao bốn chữ Tìm em tôi tìm… như nhịp chân rảo bước đi tìm Tình trong vẻ Ðẹp mà hình ảnh thanh tao hiện thân trong mình hạc xương mai. Bước đầu tìm trong cái đơn độc, cái một: tìm trên non ngàn một cành hoa khôi – hiển hiện trong đoá hoa tinh khôi đó là nụ cười mong manh, một hồn yếu đuối, một bờ môi thơm mang tấm lòng sơ nguyên của một hồn giấy mới. Khiến chúng ta liên tưởng tới những vần thơ tình tâm linh diễm tuyệt “vì tình tôi phải tìm tình” trong Nhã Ca (Kinh Thánh) hoặc trong Tụng ca Tâm linh [của San Juan de la Cruz] để đi tới chỗ kết hợp huyền nhiệm (unio mystica).
(rộn rã bồi hồi)
Ðường nét “hướng thượng” trong giai điệu này: “Tìm em tôi tìm nhủ lòng tôi ơi…” là nỗi quyết tâm tìm trong cả những thấp thoáng ảo hoá (maya) của vạn vật đắp đổi; thời gian: tìm đêm chưa từng, tìm ngày tinh khôi. Trên trời: tìm chim trong đàn ngậm hạt sương bay. Dưới đất: tìm lại trên sông… những dấu hài. Từ thơ bốn chữ giờ còn lại còn ba chữ: những dấu hài… giọng ngậm ngùi tưởng nhớ. Ở đây “tình lại gặp tình” lần tìm theo chỉ thấy từng bước in rêu của một hồng nhan bạc mệnh…
(Trầm tưởng).
(Dịu lắng)
“Tìm em xa gần đất trời rộn ràng…” lòng người đi tìm bây giờ đã lắng xuống để quán tưởng mà ôm lấy đất trời xa gần trong cả cái tính phù du, bạc mệnh, tàn và tận của tấn tuồng ảo hoá đó: Tìm trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh, trăng tàn nguyệt tận, chưa từng tuyệt vọng đâu em. Thêm hai chữ đâu em như lời nhắn nhủ mãi mãi tới cõi phù sinh này (Ðừng tuyệt vọng tôi/em ơi đừng tuyệt vọng…).
(Rộn ràng)
Có đôi dòng Kinh
Sấm bay rền vang
Bỗng tôi thấy em
Dưới chân cội nguồn…
Chương II
Ðưa tình về, nhịp hớn hở (Nhạc…)
Thanh thoảng (Nhạc…)
Bình an
Từ khi có duyên hội ngộ, đã có tình là có đối đáp. Lời thơ chuyển sang thể lục bát trữ tình để bày tỏ khoảng an bình khi cả hai đã có nhau như hình với bóng. Bằng một nhịp thơ liền lạc, vui và đầm ấm: “Từ nay tôi đã có người, có em đi đứng bên đời líu lo… Từ em tôi đã đắp bồi, có tôi trong dáng em ngồi trước sân.”
Hát tự do
Giọng chuyển đột ngột chùng xuống thành khúc hoài cảm (melancholy) đượm vẻ nuối tiếc, man mác, buốt lạnh như lời linh cảm trước cho tính bạc mệnh của đoá hoa “mới chớm đã viên thành” như nụ tình ái Kim-Kiều.
Ở đoạn này như là giai điệu chim hót trầm bổng cùng với tiếng ca đồng thanh của đất trời sông núi đáp đền tới cuộc hội ngộ từ khi đã có…
...Từ nay anh đã có nàng, biết ơn sông núi đáp đền tiếng ca. Mùa xuân trên những mái nhà, có con chim hót tên là ái ân....
Chương III
Bốn mùa yêu nhau trong lẽ vô thường của trời đất
(Nhạc chuyển… Chậm lại…)
Bình an
Khúc arioso (vịnh tự khúc):
“Sen hồng một nụ…” Chuyển từ hình ảnh đoá quỳnh trắng của chương I sang một hoá thân khác là nụ sen hồng đang ngồi đong đưa — khoảng cách từ “thơ ngây” tới “kinh nghiệm” — bằng một giọng kể hoài tưởng lại thời thanh xuân êm đềm chuyển sang sắc màu “chín” của tình yêu đã nếm trải từ rạng đông cao đến đêm ngọt ngào. Bảng màu “mùa xuân chín” rõ rệt hơn: Em hồng một thuở xuân xanh… giờ còn lại nỗi buồn hoài niệm để đền trọn mối tình.
(Hồng đi nhé xin hồng với nụ. Vàng phai sẽ cuốn đi mịt mù – Vàng phai trước ngõ).
(nhạc chuyển…)
Hiu hắt
Từ đây chuyển đoạn trầm xuống hiu hắt như tiếp nối đoạn hoài cảm ở chương II nhưng đã trở thành thể thơ độc thoại sáu chữ. Một chiều em đứng cuối sông, gió mùa thu rất ân cần chở lời kinh đến núi non, những lời tình em trối trăn…” Cuộc tình đã trải qua cả hạnh phúc lẫn khổ đau, và thân phận lưu lạc hoa trôi bèo dạt, lênh đênh từ ...đầu sông cho tới cuối sông ... đoạn trường “tính từ sông nước cát lầm”. Cánh gió mùa thu chở lời Kinh hát về thân phận gửi tới non nước quê nhà. Một thời yêu dấu đã qua. Giờ đây gót hồng (gót sen/đôi chân hồng trần củaThuý Kiều) mong mỏi được quay về. Từ khúc hoài cảm ở trên giờ hợp lại trở thành khúc hoài hương (nostalgia) trối trăn rằng: ..dù trần gian có xót xa cũng đành về với quê nhà....
Chương IV
(Nhạc chuyển… ) Rộng rãi
Dồn dập vừa
Mênh mông
Tình đi, người ở lại — (Ðoạn cuối)
Êm đềm, xa vắng
Khúc 1:
“Từ đó trong vườn khuya, ôi áo xưa em là một chút mây phù du, đã thoáng qua đời ta…”.
Khúc bi ca (elegy) u huyền này bằng thể thơ tự sự năm chữ, là tiếng thở dài mênh mang khi tình đã đi, người ở lại. Có thể diễn tả lại bằng lời thơ trong Lửa Thiêng:
Bóng đêm toả không lấp niềm thương nhớ,
Tình đi mau, – sầu ở lại lâu dài.
Ta đã để hồn tan trong tiếng thở
Kêu gọi người đưa tiễn nỗi tàn phai.
Từ đó trong hồn ta, ôi tiếng chuông não nề…Nỗi tuyệt vọng mênh mang, nhịp tim xao động trong lòng là tiếng chuông não nề văng vẳng như tiếng chuông cầu hồn. Tiếng ngựa hí vang rừng xa vọng suốt đất trời kia, mang tính ẩn dụ đầy âm-hình (audio-visual) loan báo cho giờ phút khởi hành chuyến xe cuối cùng của đời người.
...Từ đó ta ngồi mê, để thấy trên đường xa, một chuyến xe tựa như, vừa đến nơi chia lìa. ...
Khúc 2: “Từ đó ta nằm đau, ôi núi cũng như đèo, một chút vô thường theo…”
Bài tự tình khúc cuối này như bức tranh thuỷ mặc của cõi tâm bao la vô cùng.
Từ đó… từ chốn vô thuỷ vô chung để mà chiêm nghiệm toàn cảnh lộ trình đã qua của người nghệ sĩ – kẻ hành hương — giờ nằm đau dạt dào bi cảm trước cái như tính của vẻ đẹp, của sự vật; chẳng còn biện biệt nữa không gian (ôi núi cũng như đèo) với thời gian (từng phút cao giờ sâu) để rồi nhập vào với trạng thái tịnh mặc (samadhi) ngay trong nỗi đau – [ở một nghĩa nào đó] là đang trải qua kinh nghiệm về cái chết. Ði vào cõi chết như một âm điệu ngân vang rồi cũng sẽ chìm trôi vào với cái tịch lặng: cõi đi về thiết yếu của âm nhạc, của chính đời người.
Từ đó — tình yêu là hoa nở hồng ban sớm nở hết trong hoàng hôn, vẫn còn mãi khát mong, lại phải nhờ tới ngọn gió vô thường thổi qua để tiếp tục hoá thân thành sương tinh khiết rụng mát trong bình minh.
Từ đó ta là đêm, nở đoá hoa vô thường.
Từ đó – người đi hành hương nhập thể vào với bóng đêm vô tận (là cõi chân không) để nở ra đóa hoa vô thường:
người chiêm ngắm [đoá hoa] đã trở thành cái [đoá hoa] mà mình chiêm ngắm. Vẻ đẹp của đoá hoa vô thường là nở ra nụ cười khúc khích trên lưng đài gương của cái dục mang hương sắc hoa tình của cái chết.
Từ đó — đoá hoa là biểu hiện rõ nhất về sự vô thường: hiện, hiển và biến:
Mùa mưa tới cành hoa trắng ngần
Ðã ra đời đùa vui phút giây
Sau một lần đến bên người
Khép lại tấm lòng nghìn năm nhớ ai…
Từ đó — đoá hoa ấy đã khép lại những cánh mong manh trước cả lúc trăng tàn nguyệt tận.
Từ đó —
Chìm dưới sương thu là một đoá thơm tho.
Nhưng từ đó, để kết tinh nên một đoá mong manh, thơm tho ấy dâng cho đời, đã là sự cưu mang và hi hữu kể từ trăm năm trong cõi người ta…
(Nhạc để chấm dứt…)
Khúc kết
Những phương trời gió loạn nào đã đi qua,
Còn lại đoá hoa vô thường
Phất phơ giữa tuế nguyệt không thời.
Toronto
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét